alt

Bệnh tai-mũi-họng ở trẻ em và những điều cần chú ý

  Thứ Mon, 25/12/2023

 

Bệnh tai-mũi-họng ở trẻ em và những điều cần chú ý.

Bệnh tai-mũi-họng ở trẻ em và những điều cần chú ý

Mũi và họng luôn tiếp xúc với môi trường bên ngoài vì qua đường mũi họng, không khí bên ngoài đi đến phổi. Đồng thời với việc cung cấp oxy cho cơ thể qua phổi thì những tác nhân gây bệnh cũng theo vào cơ thể. Trẻ em dưới 3 tuổi có thể bị viêm mũi họng 1 năm 3 – 4 lần, thường vào những lúc thời tiết thay đổi đột ngột
Thông thường, trên 80% các trường hợp lúc đầu trẻ chỉ bị viêm mũi họng do virút, sau đó vài ngày do cơ thể yếu sức đề kháng, các loại vi trùng khác có thể xâm nhập thêm làm bệnh trở nặng. Loại virút hay gặp nhất là Adenoidal pharyngeal Conjuntival, virút hợp bào hô hấp và vi khuẩn H.influenzae, phế cầu khuẩn.
Triệu chứng ban đầu:

Các bé thường bị: ho, sốt, ngạt tắc mũi một hoặc 2 bên, có thể có sốt cao (38 – 40o), trẻ quấy khóc, bỏ ăn… Các trẻ lớn đã biết nói có thể sẽ kêu đau họng, nghạt mũi, ù tai, đau tai, nhức đầu..v.v
Những ngày đầu mới mắc bệnh thường là do virút vì vậy không cần uống kháng sinh, chủ yếu là vệ sinh mũi họng cho bé. Nếu sốt từ 38,5o, nên cho uống hạ sốt như: paracetamol. Nếu bé chỉ ấm đầu (37 – 38,5o) lau bằng nước ấm, uống nhiều nước và ăn nhiều hoa quả
Nếu không bị bội nhiễm, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 – 10 ngày. Nếu bé sốt cao 3 ngày liên tục, phải đưa bé đi bệnh viện khám để loại trừ bệnh sốt xuất huyết và xác định chính xác bé bị nhiễm virút hay nhiễm trùng. Vì nhiễm trùng nếu không uống kháng sinh, bé sẽ không tự khỏi bệnh

Bệnh tai mũi họng nguy hiểm hơn ta tưởng:
Bệnh ở tai-mũi-họng nguy hiểm vì nếu không điều trị dứt điểm bệnh dễ trở nên mạn tính và là tác nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm khác. Chẳng hạn như viêm mũi khi không điều trị dứt điểm có thể gây viêm tai (làm giảm sức nghe và gây ra những biến chứng nặng hơn như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên, liệt mặt…) viêm thanh quản (bệnh làm biến đổi chất giọng) hay viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi. Viêm tai cũng có thể gây ỉa chảy, rối loạn tiêu hoá đôi khi kèm theo suy dinh dưỡng. Trong khi đó viêm xoang lại có thể gây nhiễm trùng ổ mắt, đây là một biến chứng nghiêm trọng, đe dọa thị lực, thậm chí là tính mạng bệnh nhân. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn ở amidan còn có thể tấn công vào khớp, tim, thận và có thể để lại các biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận cấp, thấp khớp, thấp tim, viêm tim…v.v.
Tai-mũi-họng là cửa ngõ của đường thở nên những trục trặc ở bộ phận này có thể gây tắc thở nhanh chóng. Viêm họng cấp, viêm phế quản cấp ở trẻ em, dị vật… là những bệnh phải điều trị sớm nhất có thể.

Phòng tránhbệnh tai mũi họng không phải là khó:
- Vệ sinh tai mũi họng cho trẻ bằng nước muối: Nên vệ sinh mũi, họng bằng cách súc miệng nước muối hoặc xịt nước muối biển ba đến bốn lần mỗi ngày. Lưu ý, trẻ nhỏ dưới một tuổi, không nên dùng các loại nước muối dạng bình xịt có áp lực mạnh . Hãy dùng nước muối 0,9% cho trẻ lứa tuổi này.
- Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường, hạn chế tiếng ồn bên ngoài tác động hàng ngày vào tai trẻ.
- Thường xuyên đưa trẻ đi khám bệnh tại các cơ sở y tế chuyên khoa để giúp sớm phát hiện những  bệnh có liên quan đến tai-mũi-họng.
- Trong những ngày thời tiết trở lạnh, nên cho bé mặc đồ ấm, chú ý giữ ấm phần cổ và chân. Nên xoa dầu khuynh diệp vào lòng bàn chân và mang tất cho bé, xoa kỹ vùng huyệt dũng tuyền là chỗ lõm giữa 2 gò nổi của ngón chân cái và những ngón còn lại.
Bên cạnh đó, đối với những trẻ bị bệnh về tai-mũi-họng cần điều được trị dứt điểm. Cha mẹ không nên thấy trẻ đỡ là dừng thuốc. Điều này không chỉ gây tình trạng vi trùng kháng thuốc mà còn có thể để lại những biến chứng khó lường. Hãy điều trị đủ liều thuốc, đủ thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ. Và quan trọng nhất là cần điều trị càng sớm càng tốt ngay khi có biểu hiện bất thường sẽ rút ngắn thời gian điều trị, hiệu quả điều trị và tránh được những biến chứng nguy hiểm

Viết bình luận của bạn:
icon icon icon