alt

Sử dụng kháng sinh ở trẻ em

  Thứ Tue, 03/03/2020

Sử dụng kháng sinh ở trẻ thế nào cho hợp lý

Sử dụng kháng sinh ở trẻ em

Hiện nay, ở nước ta đang có tình trạng cho trẻ dùng kháng sinh bừa bãi. Không chỉ có một số không ít các bậc phụ huynh tự ý mua kháng sinh cho trẻ không đúng thuốc, không đủ liều mà còn có một số y bác sĩ điều trị kháng sinh không đúng cho trẻ dùng kháng sinh không đủ liều đủ lượng, thời gian dùng quá ngắn khi vi trùng chư bị tiêu diệt thì đã dừng thuốc, đưa đến việc nhiều kháng sinh thông dụng hiện nay đã bị vi trùng kháng thuốc. Các kháng sinh tỏ ra hiệu quả trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trước đây như: ampicillin, amoxicillin, cephalexin, erythomycin… nay đã bị nhờn gần như không còn có tác dụng
Theo kết quả nghiên cứu về điều trị nhiễm khuẩn ở một số khoa nhi hoặc bệnh viện Nhi ở nước ta, trẻ bị viêm phế quản, phổi được cho sử dụng kháng sinh thông dụng không khỏi. Bị trở nặng phải nhập viện cũng chiếm tỷ lệ khá cao
Rõ ràng là các bậc phụ huynh rất cần có kiến thức tối thiểu về việc cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, nhằm tránh tai biến cho trẻ và đặc biệt hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh đang lan tràn không chỉ ở nước ta mà còn khắp trên thế giới. Sau đây là những điều cần biết khi sử dụng kháng sinh ở trẻ
1. Kháng sinh là loại thuốc gì?
Kháng sinh (trước đây còn gọi là trụ sinh), KS là thuốc có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn hay vi nấm gây bệnh. Như vậy, không phải bất cứ bệnh nào cũng dùng kháng sinh mà chỉ có những bệnh nhiễm khuẩn hay nhiễm nấm thì mới dùng kháng sinh để chống lại mầm bệnh đó, còn nhiễm vi rút thì không cần dùng kháng sinh vì không cần thiết mà còn bị tai biến hoặc gây nhờn thuốc. Ngay cả trong bệnh nhiễm khuẩn, có loại kháng sinh chỉ thích hợp để trị bệnh nhiễm khuẩn này không hiệu quả nhưng đối với bệnh nhiễm khuẩn khác lại hiệu quả. Như vậy, việc dùng KS đòi hỏi phải có sự lựa chọn và sự thận trọng, đặc biệt khi dùng KS cho trẻ.
2. Vì sao phải thận trọng khi cho trẻ dùng kháng sinh (KS).
Bởi vì tất cả KS khi dùng đều có khả năng gây tai biến. Riêng đối với trẻ, do các cơ quan liên quan đến việc hấp thu, chuyển hóa và đào thải thuốc chưa phát triển hoàn chỉnh, khả năng gây tai biến ở trẻ so với người lớn càng tăng lên gấp bội
Những tai biến do dùng KS đối với trẻ có thể chia ra làm 3 loại:
a. Tai biến do dị ứng: trường hợp nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, trường hợp nặng có thể bị “sốc phản vệ” đưa đến chết người (trường hợp nặng thường do tiêm thuốc)
b. Tai biến do nhiễm độc: những cơ quan dễ bị nhiễm độc do KS là gan, thận (thường do tetracyclin, sulfamid), hệ máu (thường do choramphenicol, sulfamid) thần kinh thính giác (streptomycin, gentamycin gây điếc), xương răng (tertracyclin làm răng có màu vàng xám vĩnh viễn)
c. Tai biến làm loạn khuẩn đường ruột: thường xảy ra khi sử dụng lâu ngày các KS, có phổ kháng khuẩn rộng như ampicilline, tetracyclin, cloramphenicol, lincomycin, oleandomycin bằng đường uống. Các KS này ngoài việc tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh còn tiêu diệt luôn các vi khuẩn sống bình thường trong ruột, làm loạn nhiễm đường ruột gây tiêu chảy, gây mất nước nghiêm trọng, làm xuất hiện các bệnh thiếu vitamin ở trẻ
3. Để tránh tai biến do sử dụng kháng sinh bạn cần làm gì?
Nên dành quyền chỉ định thuốc KS cho thầy thuốc, tức là nếu nghi ngờ trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn thì nên đưa trẻ đến bác sĩ khám và chỉ định thuốc vì chỉ có bác sĩ mới biết rõ cách sử dụng kháng sinh đúng: đúng thuốc, đúng cách, đủ liều, đủ thời gian. Ở nhiều nước trên thế giới, chỉ có thể mua kháng sinh ở nhà thuốc khi có đơn thuốc của bác sĩ
4. Có phải trẻ bị sốt là phải dùng kháng sinh?
Một số bệnh nhiễm khuẩn thường có triệu chứng sốt nhưng không phải tất cả các trường hợp sốt đều do nhiễm khuẩn. Thí dụ, trẻ có thể bị sốt do mọc răng hoặc bị cảm nắng. Do vậy, khi trẻ bị sốt thì đừng vội cho trẻ dùng KS ngay mà hãy tìm cách hạ nhiệt cho trẻ bằng cách cho dùng thuốc hạ nhiệt paracetamol hay đắp trán, lau mình trẻ bằng khăn nhúng nước ấm
5. Có phải trẻ nào bị viêm mũi sổ mũi, viêm họng là phải dùng kháng sinh?
Nếu trẻ chỉ bị nhiễm siêu vi và chưa có biểu hiện nhiễm trùng thì dùng KS không những không có tác dụng mà còn có thể gây tình trạng kháng KS (kháng thuốc) về sau. Trong trường hợp này, nếu trẻ sốt chỉ nên cho dùng thuốc hạ nhiệt kèm theo hút sạch mũi, nhỏ mũi nước muối sinh lý 0,9% , không nên nài nỉ thầy thuốc cho con em mình dùng KS khi thầy thuốc chẩn đoán là nhiễm siêu vi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhiễm siêu vi có thể kèm theo bội nhiễm vi khuẩn (triệu chứng viêm nhiễm kéo dài không bớt và có xu hướng nặng hơn, thể trạng của trẻ yếu thường bị nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần). Lúc này rõ ràng việc dùng KS là cần thiết, bác sĩ chắc chắn sẽ chỉ định dùng KS.
Nên lưu ý, khi thấy trẻ sốt ho mà cách thở, nhịp thở bất thường (thở nhanh từ 40 lần/phút trở lên đối với trẻ trên 1 tuổi thở khó, có lõm ngực khi hít vào hoặc thở khó kiểu hen suyễn) thì phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chỉ định đúng thuốc và điều trị kịp thời, không để trẻ ở nhà tự chữa.
6. Những thuốc KS nào trẻ không dùng được?
Đối với trẻ sơ sinh, có nhiều KS hoàn toàn không được dùng: tetracyclin, cloramphenicol, acid nalidixic và các KS quinolon, lincomycin, các sulfamid phối hợp (Bactrim, cotrim, biseptol). Đặc biệt, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú có nhiều KS không được dùng vì thuốc ảnh hưởng xấu đến thai nhi hoặc cho trẻ đang bú. Do vậy chỉ định thuốc KS cho trẻ sơ sinh, cho phụ nữ đang mang thai, cho phụ nữ đang cho con bú phải do bác sĩ đảm nhận, không nên tự ý dùng bừa bãi. Đối với trẻ dưới 7 tuổi, không cho trẻ sử dụng thuốc tetracyclin vì KS này ảnh hưởng đến mầm răng đang phát triển, làm răng bị nhuộm màu vàng xám vĩnh viễn.
Đối với trẻ còn đang phát triển chiều cao (thậm chí dưới 18 tuổi) được khuyên tránh dùng các thuốc nhóm fluoroquinolon (norfloxacin, ofloxacin, pefloxacin…) do loại KS này gây loạn dưỡng sụn trên các súc vật còn non (chuột) khi nghiên cứu thử nghiệm thuốc trên súc vật.
Trẻ em chỉ nên uống các loại thuốc kháng sinh được bào chế dành riêng cho trẻ, đó là dạng thuốc gói bột, thuốc siro. những loại thuốc này khi trẻ uống sẽ dễ hấp thu ( ở trẻ ống tiêu hóa chưa hoàn thiện nên nếu uống thuốc viên dành cho người lớn thì khó lòng hấp thu được., khi uống dạng thuốc viên vào ống tiêu hóa, muốn hấp thu được vào cơ thể, thuốc cần phải qua các giai đoạn trong ống tiêu hóa như tan thuốc, giã thuốc, rồi phụ thuộc vào khả năng hấp thu của ống tiêu hóa).
7. Để tránh KS bị  nhờn cần phải làm gì?
Để tránh hiện tượng thuốc KS bị “nhờn” (tức KS đã bị vi khuẩn đề kháng, không còn có tác dụng) nên cho dùng theo đúng liều lượng mà thầy thuốc đã chỉ định. Không nên cho trẻ ngừng thuốc nửa chừng (dù thấy triệu chứng bệnh đã có vẻ đỡ). Cũng không nên khi thấy trẻ bị nóng sơ sơ là cho uống vài viên “Ampi” hoặc “amox” rồi ngừng. Thông thường, một số KS dùng đủ liều cho cả đợt bệnh phải từ 10 đến 14 ngày, thậm chí có thể dùng dài ngày hơn tùy theo loại bệnh và sự tiến triển của bệnh. Do đó phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
8. Có nên tiếp tục sử dụng KS cổ điển thông dụng có dấu hiệu bị đề kháng.
Ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước tiên tiến, các nhà chuyên môn thường xuyên theo dõi hiện tượng đề kháng kháng sinh và đề xuất kháng sinh nào cần loại bỏ, KS nào cần bổ sung trong Dược thư Quốc gia (là danh mục thuốc được phép lưu hành, sử dụng trong nước). Vì vậy, ở một số nước kháng sinh thông dụng là ampicillin hiện nay không còn sử dụng nữa vì bị đề kháng quá nhiều. Ở ta, các kháng sinh thông dụng đã kể ở trên tuy có bị đề kháng nhưng vẫn chưa bị loại bỏ một cách chính thức. Trong một số trường hợp nhiễm khuẩn thông thường các kháng sinh cổ điển thông dùng vẫn còn được sử dụng và có hiệu quả. Chỉ trong những trường hợp cần thiết với sự hiểu biết chuyên môn, kinh nghiệm lâm sàng, biết các KS cổ điển không có tác dụng, bác sĩ điều trị sẽ cho dùng KS mới thích hợp hơn. Như vậy, người có thẩm quyền nhất trong việc lựa chọn KS để đối phó với tình trạng nhờn thuốc KS chính là bác sĩ chuyên khoa. Do vậy khi nghi ngờ trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn, hãy đưa trẻ đi khám bệnh và tuân thủ đúng qui định điều trị dùng đúng thuốc đã được ghi trong đơn dù thuốc đó là KS cổ điển hay KS loại mới

Viết bình luận của bạn:
icon icon icon