Điếc đột ngột

                                                                                 

 

 

Điếc đột ngột

 

I. Đại cương:
Định nghĩa điếc đột ngột: là điếc tiếp nhận từ 30 dB trở lên với  ít nhất ở 3 tần số liên tiếp và xuất hiện trong vòng tối đa 3 ngày liền. Theo Trần Bá Huy và một số bác sỹ ở Pháp thì điếc đột ngột là một điếc tiếp nhận hay gặp ở một bên tai, xảy ra trong vòng 24 giờ, thính lực giảm trên 30dB ở 3 tần số liên tiếp nhau và không có nguyên nhân
Điếc đột ngột là một bệnh cấp cứu, tính từng giờ, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và giao tiếp của người bệnh. Nguyên nhân gây điếc đột ngột đến nay còn rất phức tạp. Trong nhiều trường hợp muốn tìm nguyên nhân gây bệnh còn phải có sự phối hợp của rất nhiều các  chuyên khoa như : tai mũi họng, tim mạch, nội khoa.v..v..do đó nguyên nhân gây bệnh rất khó xác định. Chính vì vậy, điều trị các bệnh nhân điếc đột ngột hiện tại vẫn chủ yếu là điều trị bao vây nhiều nguyên nhân cùng một lúc, nên kết quả  điều trị còn nhiều hạn chế.
Đây là một hội chứng (mà không phải là một bệnh) hay gặp trong cấp cứu Tai - mũi - họng . Cần điều trị càng sớm thì càng tốt. Đặc biệt là phải có đo thính lực đồ ( sức nghe) để theo dõi thường xuyên. Tuy nhiên để chẩn đoán và điềù trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn
II. Bệnh học điếc đột ngột:
1.Nguyên nhân:
- Cho đến nay vẫn chưa xác định được rõ căn nguyên của điếc đột ngột. Có thể xẩy ra do các tổn thương tại ốc tai hoặc dây thần kinh thính giác hay tổn thương thần kinh trung ương 
a) Nguyên nhân do ốc tai hay gặp:

- Do vi rút: Điếc đột ngột xảy ra trên người bị nhiễm vi rút cảm cúm, sốt dịch, viêm mũi họng do . Virút có thể gặp: cúm, sởi, quai bị,  Herpes.

- Do mạch máu: Điếc đột ngột xảy ra trên người có tiền sử bệnh tim mạch (rối loạn nhịp tim, cao huyết áp) nhất là ở bệnh có mỡ máu cao. các bệnh này gây tắc mạch, co thắt mạch hoặc vỡ mạch ở bất kì vị trí nào trên cơ thể nhưng khi xảy ra ở mạch máu ốc tai thì điếc đột ngột xuất hiện. Khi tổn thương mạch máu mê nhĩ gây thiếu oxy tổ chức,  toan hoá tế bào rối loạn hoạt động của chức năng enzym nội bào, điện thế ốc tai giảm -> ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các tế bào thần kinh thính giác và gây hậu quả tế bào thần kinh thính giác bị thoái hoá nếu không điều trị kịp thời sẽ không hồi phục 
- Do chấn thương
Chấn thương áp lực: gặp ở những người làm việc trong môi trường thay đổi áp lực đột ngột (thợ lặn, nhảy dù...) khí thay đổi áp lực bên ngoài đột ngột có thể gây hiện tượng vỡ màng đáy, vỡ màng Reissner...
Chấn thương trực tiếp: ngày nay gặp chủ yếu do tai nạn, phẫu thuật tai...
- Do dị ứng: phản ứng dị ứng xảy ra do sự kết hợp kháng nguyên - kháng thể đặc hiệu. Nếu phản ứng này xảy ra ở tai trong gây ra hiện tượng tăng tính thấm thành mạch -> phù Quincke ở mê nhĩ  làm tổn thương tế bào lông .
- Do miễn dịch: các bệnh tự miễn xảy ra do các kháng thể kết hợp với kháng nguyên nội sinh( là thành phần cấu trúc của cơ quan nào đó của cơ thể). Hiện tượng này cũng xảy ra ở tai trong
- Dò mê đạo: các nguyên nhân gây dò ngoại dịch tai trong (chấn thương xương đá, sang chấn khớp bàn đạp - tiền đình, kích thích âm thanh quá mạnh hay sau viêm mê nhĩ do lao...)
- Do bệnh máu: sự thiếu máu và chứng nghẽn mạch sẽ gây nên sự thiếu hụt máu trong ốc tai và sẽ dẫn đến sự thiếu máu thứ phát của các tế bào lông và vân mạch .
b)Nguyên nhân sau ốc tai.
Tổn thương sau ốc tai có thể do bệnh lí dây thần kinh thính giác hoặc hệ thống thần kinh trung ương
- Do tổn thương thần kinh thính giác: u dây VIII, u góc cầu tiểu não, viêm dây thần kinh thính giác
- Do tổn thương hệ thống thần kinh trung ương: thiểu năng tuần hoàn, khối u hành cầu não, u củ não sinh tư, bệnh xơ cứng rải rác.
c) Điếc đột ngột không tìm thấy nguyên nhân      
Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu nguyên nhân gây điếc đột ngột nhưng phần lớn các trường hợp không tìm thấy nguyên nhân. Nhưng có một số giả thuyết về nguyên nhân bệnh sinh được nhiều người nhắc đến, đó là: thuyết do virút, mạch máu, rách màng ốc tai và do nguyên nhân tự miễn.
2. Chẩn đoán:
a) Triệu chứng lâm sàng.
- Nghe kém: là triệu chứng chủ yếu, xuất hiện đột ngột có thể xảy ra ở 1 hay cả hai tai. Thường xảy ra ban đêm hoặc lúc buổi sáng thức dậy, đa số nghe kém xuất hiện và tiến triển nhanh sau vài phút đến vài giờ  hoặc tăng dần sau vài ngày. Khi bịt bên tai còn lại thì không nghe rõ, được ví như  “một tiếng sét giữa trời quanh mây tạnh”, nghe kém có thể nhẹ, vừa hoặc nặng( đa số).
- ù tai: hay gặp tiếng ù cao( tiếng ve kêu, tiếng còi tầu..), đôi khi đây là triệu chứng chính khiến bệnh nhân đi khám.
- Chóng mặt: bệnh nhân than phiền chóng mặt nhưng thực ra đó là trạng thái mất thăng bằng, hoa mắt... hiếm khi có chóng mặt thực sự.
- Cảm giác đầy nặng một bên tai (người bệnh mô tả như nút ráy tai).
- Đau tai rất hiếm gặp.
- Sốt thường xảy ra trước đó kèm theo đau mình mẩy -> gợi ý căn nguyên do virút.
- Thực thể và các loại test thăm dò; 
Khám tai thường thấy màng tai hai bên bình thường, hoặc thấy các mảng xơ nhĩ trước đó.
Đo thính lực bằng âm thoa: cho thấy điếc tiếp âm, Weber nghiêng về tai bên lành.
- Thính lực đồ: là rất cần thiết, cho thấy điếc tiếp nhận các mức độ khác nhau
 Các dạng thính lực đồ được Pignal phân loại như sau:
      Thính lực đồ dạng đi lên: biểu đồ giảm nhiều ở các tần số trầm, giảm ít ở tần số cao do tổn thương ở các tế bào ở vùng đỉnh nhiều hơn vùng đáy. Người bệnh nghe kém hơn ở các tần số trầm và nghe tốt hơn ở tần số cao.

      Thính lực đồ dạng đi xuống: biểu đồ giảm nhiều ở tần số cao, giảm ít ở tần số trầm. Do tổn thương ở các tế bào vùng đáy nhiều hơn so với vùng đỉnh.

Người bệnh nghe tốt hơn ở các âm trầm.

 
      Thính lực đồ dạng ngang: mức độ giảm ở các tần số gần như nhau do tổn thương toàn bộ các tế bào vùng đáy và vùng đỉnh. Loại thính lực đồ này thường gặp trong trường hợp sũng nước mê nhĩ.
      Thính lực đồ dạng đĩa: Biểu đồ thính lực dạng chữ V, giảm nhiều hơn ở các tần số trung bình, giảm ít ở các tần số trầm và tần số cao. Người bệnh nghe

kém hơn ở các âm có tần số trung bình.

     Thính lực đồ dạng lưng lừa: Biểu đồ thính lực có dạng hình Parapol đỉnh ở trên, giảm nhiều ở các tần số trầm và tần số cao, giảm ít ở tần số trung bình. Người bệnh nghe tốt hơn ở các âm có tần số trung bình.
   Thính lực đồ dạng điếc sâu: Ngưỡng nghe tăng cao, ở nhiều tần số không đáp ứng, người bệnh bị điếc hoàn toàn.
 
- Nhĩ lượng: thường thấy bình thường.
- Phản xạ cơ bàn đạp: trong trường hợp điếc tai sâu thì không còn phản xạ.
- Đo điện thế thân não(ABR): thường áp dụng để phát hiện các trường hợp điếc sau loa đạo.
- Khám tiền đình: thường cho kết quả đa dạng (khám nhiệt lượng cho kết quả không bình thường, bệnh nhân bị thiểu năng tiền đình một bên, nghiệm pháp ghế quay cho thấy thế năng tiền đình hai tai không cân xứng. Hiếm khi gặp dấu hiệu Romberg thật sự).
- CT, MRI: giúp phát hiện các bệnh lí u góc cầu tiểu não.
- Khám nội khoa: có thể phát hiện thấy bệnh nhân bị bệnh tim mạch, cao huyết áp...
III. Định khu tổn thương.
 Những tổn thương ở ốc tai có thể phát hiện được nhờ đo điện ốc tai, đo phản xạ cơ bàn đạp, đo âm ốc tai hoặc đo trên ngưỡng tìm hồi thính( Recruitment)
Phát hiện những tổn thương sau ốc tai qua đo điện đáp ứng thính giác thân não và điện não đồ, chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ.
IV. Điều trị:
Do cơ chế bệnh sinh của điếc đột ngột còn chưa sáng tỏ nên việc điều trị chỉ mang tính chất bao vây là chủ yếu. Đây là một cấp cứu trong tai mũi họng nên phải được điều trị càng sớm càng tốt, bao gồm: điều trị triệu chứng, điều trị nguyên nhân( nếu tìm được).
Điều trị triệu chứng:
- Thuốc giãn mạch ngoại biên, kích thích hô hấp, tăng cường oxy máu và hoạt hóa não bộ. Các thuốc hay dùng: Fonzylane 50mg TM, Duxil...
- Thuốc tác dụng tăng cường oxy máu, làm giảm sự thiếu máu cục bộ và thiếu oxy: Piracetam( Nootropyl). Thuốc có hai tác dụng chính là chống kết dính tiểu cầu, làm thuận lợi cho sự lưu chuyển hồng cầu và chống co thắt tại vi mạch.
- Thuốc làm giảm tính thấm thành mạch, ngăn ngừa sự ứ dịch tai trong: Kháng histamin (Claryntine 10mg), Glucuse truyền tĩnh mạch, Corticoid (toàn thân hay tiêm trực tiếp tại chỗ).
- An thần.
- Vitamin nhóm B( Nevramin).
Điều trị nguyên nhân: Dựa vào khai thác tiền sử, bệnh sử, thăm khám, các xét nghiệm cận lâm sàng có thể tìm thấy nguyên nhân như nhiễm độc thuốc, viêm nhiễm, do rối loạn chuyển hóa... và kết hợp điều trị nguyên nhân.
Một số liệu pháp điều trị hỗ trợ: Nghỉ ngơi tránh vận động, phong bế hạch sao, thở oxy cao áp 5% CO2 và 95% O2 
V. Theo dõi và đánh giá kết quả điều trị dựa vào các tiêu chí sau: 
1. Ngưỡng nghe đường khí ở từng tần số trước và sau điều trị. Qua đó tính được số dB phục hồi sau điều trị.
2. Ngưỡng nghe trung bình:( PTA = dB( 500) + dB(1000)+ dB( 2000) + dB(4000Hz)/4)
3. Mức độ nghe kém.
Mức độ nghe kém theo ngưỡng nghe(dB).
Mức độ nghe kém theo tỷ lệ % thiếu hụt sức nghe.
Dựa theo bảng Fowler- Sabin
VI. Tiên lượng:
 Rất nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hồi phục một phần hay toàn bộ ở bệnh nhân chỉ đạt 47% đến 63%. Qua đó, tác giả cho thấy 4 yếu tố chính ảnh hưởng đến tiên lượng kết quả hồi phục như sau: thời gian xuất hiện, tuổi, chóng mặt, thính lực.

 

 

 

 

 

Tư vấn bệnh TMH và phẫu thuật thẩm mỹ mũi miễn phí 24/7. Qua zalo, viber, messenger, hotline

Hotline: 0988389990 Email: phantmh@gmail.com

Đăng ký khám ngay

icon icon icon